4 Đề xuất trong bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh đáp ứng Chương trình Giá

4 Đề xuất trong bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông mới

Ngày: 27/12/2022 lúc 16:54PM

Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ đặt ra những thử thách không nhỏ đối với công tác bồi dưỡng Giáo viên tiếng Anh trong bối cảnh dạy và học tiếng Anh vốn đã gặp nhiều khó khăn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) môn tiếng Anh mới (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT) kế thừa và tích hợp những đường hướng giáo dục tiên tiến trên thế giới như dạy học theo định hướng phát triển năng lực, lấy người học làm trung tâm, và đảm bảo tính linh hoạt để phù hợp với bối cảnh dạy và học tiếng Anh tại các địa phương khác nhau.

Nhưng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, chương trình này sẽ đặt ra những thử thách không nhỏ đối với công tác bồi dưỡng Giáo viên tiếng Anh tại các trường học đặc biệt là ở hai cấp học THCS, THPT.

Tiến sĩ Vũ Hải Hà - Trưởng Khoa Sư phạm Tiếng Anh - Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN đã đưa ra 4 đề xuất chính nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ở hai cấp học trên trong thời gian tới.
4-de-xuat-trong-boi-duong-giao-vien-tieng-anh-dap-ung-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi

Giáo viên phải hiểu khái niệm mới

Đầu tiên, nếu như trước đây việc dạy tiếng Anh với mục đích chủ yếu là giúp người học năng lực sử dụng tiếng Anh làm công cụ giao tiếp, chương trình mới sẽ theo đường hướng phát triển năng lực và lấy người học làm trung tâm, ngoài ra còn hướng tới việc bồi dưỡng kiến thức của người học về ngôn ngữ và văn hóa của các nước nói tiếng Anh cũng như Việt Nam.

Đồng thời, phát triển ở người học thái độ tích cực đối với việc học, định hướng học tập trong tương lai, nghề nghiệp, cũng như với người dân và văn hóa của các nước trên thế giới; phát triển kỹ năng, phương pháp học tập tiếng Anh cũng như những môn khác trong CTGDPT.

Vì vậy, chương trình cần giúp cho giáo viên hiểu rõ và nắm vững được những khái niệm mới trong CTGDPT mới, như “năng lực”, “thái độ” hay “kỹ năng (mềm)”…hay những nội dung kiến thức mà nhiều giáo viên có thể còn chưa thấy tự tin, như kiến thức văn hóa thế giới và Việt Nam, hay mối liên hệ giữa môn tiếng Anh với các môn học khác trong CTGDPT tổng thể.

Giáo viên phải biết lồng ghép kỹ năng mềm với kiến thức văn hóa

Thứ hai, cần hỗ trợ Giáo viên tiếng Anh phương pháp, cách thức, thủ thuật dạy học... nhằm đạt được những mục tiêu trên trong bài dạy của mình. Vì khi người học cần phát triển bộ ba: kiến thức, kỹ năng và thái độ, thì người dạy cũng cần nắm được phương pháp giúp cho người học phát triển những kiến thức, kỹ năng, thái độ đó.

Điều này về lý thuyết có thể đạt được thông qua các hình thức dạy học như: dạy học qua dự án, dạy học tích hợp các kỹ năng, dạy tiếng Anh thông qua các nội dung chuyên ngành... tuy nhiên những hình thức dạy học này còn khá mới mẻ ở Việt Nam và có thể gây bỡ ngỡ đối với nhiều giáo viên. Vì vậy, họ cần phải được học hỏi, trau dồi, luyện tập thêm mới có thể áp dụng chúng nhuần nhuyễn và hiệu quả trên lớp học của mình.

Giáo viên được chủ động trong lựa chọn tài liệu

Thứ ba, công tác bồi dưỡng phải giúp cho giáo viên tự tin, chủ động và linh hoạt hơn trong lớp học của mình.

Việc bồi dưỡng trong thời gian tới cần hướng tới giúp cho giáo viên dạy học và kiểm tra đánh giá đáp ứng các yêu cầu được đặt ra của một chương trình khung chung. Giáo viên (với sự tư vấn của những bên liên quan) có thể chủ động hơn trong lựa chọn tài liệu, nội dung, quy trình và phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá,.. phù hợp với việc đạt được mục tiêu chung của CTGDPT môn tiếng Anh đề ra cho cấp học, hay lớp học đó.

Tránh bồi dưỡng nặng về lý thuyết, xa rời thực tiễn

Thứ tư, công tác bồi dưỡng Giáo viên tiếng Anh cũng cần nắm được đặc thù của cấp học cũng như vùng miền ... để đưa ra những nội dung và phương pháp bồi dưỡng hiệu quả dành cho giáo viên. Dễ nhận thấy hình thức bồi dưỡng giáo viên nặng tính lý thuyết, giáo điều, nhồi nhét và xa rời thực tế... ngày càng trở nên lỗi thời và bất cập, đặc biệt đối với việc thực hiện CTGDPT mới.

Để giáo viên cảm thấy chương trình bồi dưỡng hữu ích cần dành thời gian cho chính giáo viên thực hành, nhận xét lẫn nhau, và cùng chia sẻ trải nghiệm, sáng kiến của bản thân mình để giải quyết những vấn đề hàng ngày trên lớp học 
Đây là 4 đường hướng có tính gợi ý nhằm hướng tới cải thiện chất lượng bồi dưỡng giáo viên cấp THCS và THPT nhằm đáp ứng nhu cầu của CTGDPT môn tiếng Anh mới. Mặc dù những giải pháp trên có thể chưa thật sự toàn diện, đầy đủ thì việc nâng cao nhận thức và kêu gọi sự tham gia đồng bộ của các đối tượng liên quan tới công tác bồi dưỡng giáo là hết sức cần thiết để CTGDPT môn tiếng Anh mới có thể phát huy được tính hiệu quả của mình sớm nhất trong thời gian tới.

Theo Báo Dân Trí 

Admin
BÌNH LUẬN
Bài viết mới nhất