TP. Hồ Chí Minh Nâng cao trình độ tiếng Anh đào tạo nhân lực chuẩn quốc tế
Ngày: 27/12/2022 lúc 16:53PM
Trong Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020 vừa qua đã xác định, chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được ưu tiên hàng đầu trong 7 chương trình đột phá nhằm đưa thành phố phát triển nhanh, bền vững, trong đó, vấn đề mấu chốt vẫn là Trình độ Tiếng Anh.
Với nguồn lực to lớn lên đến hơn 2,1 triệu người gồm đội ngũ các giảng viên, giáo viên, chuyên gia và học sinh, sinh viên. TP.Hồ Chí Minh vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ quốc tế, số sinh viên giỏi tiếng Anh – ngôn ngữ toàn cầu, vẫn còn chưa cao so với kỳ vọng dù thành phố là địa phương đi đầu trong việc phổ cập và nâng cao trình độ tiếng Anh của sinh viên.
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, hiện nay các trường thuộc Đại học Quốc gia đang tổ chức đào tạo 50 chương trình chất lượng cao, trong đó có 18 chương trình hoàn toàn bằng tiếng Anh và sinh viên phải rất nỗ lực mới có thể theo được: “Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh bởi việc hội nhập quốc tế, trình độ nhân lực quốc tế thì tiếng Anh là then chốt. Chúng tôi đưa ra bởi có vẻ lúc vào đại học các bạn sinh viên có vẻ hơi chậm. Cho nên chúng tôi mong chương trình đào tạo tiếng Anh nên bắt đầu sớm từ bậc phổ thông”.
Tiến sỹ Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức cho biết, dù chất lượng giảng dạy bộ môn Tiếng Anh tại TP.HCM cao so với mặt bằng chung cả nước và đã được cải thiện nhưng thực rõ ràng, Trình độ tiếng Anh vẫn đang là rào cản. Ông nêu quan điểm: “Chúng ta phải làm ngay từ giờ không thể chậm hơn bởi vì tiếng Anh và hội nhập có mối quan hệ hữu cơ. Chúng tôi muốn nói đến quốc tế hóa hệ thống giáo dục, nâng tầm chất lượng đào tạo trình độ quốc tế thì tiếng Anh là công cụ quan trọng trong chiến lược để chúng ta hành động và cụ thể hóa về đào tạo”.
Tổng Giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn Pearson, ông Alan Malcolm cho rằng nếu thành phố chúng ta muốn thu hút các tập đoàn, công ty nước ngoài thì nhất thiết phải đào tạo đội ngũ nhân sự tại chỗ không chỉ giỏi chuyên môn mà phải thành thạo tiếng Anh. Qua đó, cần phải thay đổi nhận thức xem tiếng Anh là công cụ để tiếp cận tri thức như các chuyên gia trong và ngoài nước đề cập.
Đào tạo nhân lực chuẩn quốc tế là quyết tâm rất lớn của thành phố, nhưng nếu không giải quyết ngay điểm yếu về Trình độ tiếng Anh thì sẽ rất khó để đạt được các mục tiêu đã đề ra.